GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ IPA
Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Những mốc thời gian chính
Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
– Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
– Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21 tháng 1 năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 30 tháng 3 năm 2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA
Ngày 08 tháng 6 năm 2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA
Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA và IPA
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Thương mại hàng hóa
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, v.v, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Một số nét chính trong các cam kết một số ngành dịch vụ như sau:
– Dịch vụ ngân hàng: Trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
– Dịch vụ bảo hiểm: Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, ta chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.
– Dịch vụ viễn thông: Ta chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, ta cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.
– Dịch vụ phân phối: Ta đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên ta bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Ta cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.
Mua sắm của Chính phủ
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu, v.v, Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
Về diện cam kết, ta cam kết mở cửa mua sắm của các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương. Về ngưỡng mở cửa thị trường, ta có lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm.
Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế với một số điều kiện và lộ trình nhất định.
Sở hữu trí tuệ
Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một số nét chính trong các cam kết sở hữu trí tuệ như sau:
– Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
– Về nhãn hiệu: Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.
– Về thực thi: Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
– Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN): Cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP).
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)
Quy định về DNNN trong Hiệp định EVFTA nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cam kết cũng tính đến vai trò quan trọng của các DNNN trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh – quốc phòng. Bởi vậy, Hiệp định EVFTA chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và doanh nghiệp độc quyền có quy mô hoạt động thương mại đủ lớn đến mức có ý nghĩa trong cạnh tranh.
Các nghĩa vụ chính của Chương DNNN là: (i) hoạt động theo cơ chế thị trường, nghĩa là doanh nghiệp có quyền tự quyết định trong hoạt động kinh doanh và không có sự can thiệp hành chính của Nhà nước, ngoại trừ trường hợp thực hiện mục tiêu chính sách công; (ii) không có sự phân biệt đối xử trong mua bán hàng hóa, dịch vụ đối với những ngành, lĩnh vực đã mở cửa; (iii) minh bạch hóa các thông tin cơ bản của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Thương mại điện tử
Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm:
– Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;
– Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…);
– Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.
Minh bạch hóa
Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, Hiệp định EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thương mại và phát triển bền vững
Hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản…
Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế, chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.
Hiệp định IPA
Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v…
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.
Quan hệ song phương Việt Nam – EU
Quan hệ Thương mại
EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD (giảm 0,81%) và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD (tăng 6,84%). Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD, giảm 2,89% so năm 2018), Đức (6,56 tỷ USD, giảm 4,63%), Anh (5,76 tỷ USD, giảm 0,38%), Pháp (3,76 tỷ USD, giảm 0,01%), Italia (3,44 tỷ USD, tăng 18,46%), Áo (3,27 tỷ USD, giảm 19,93%), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD, tăng 3,38%), Bỉ (2,55 tỷ USD, tăng 5,83%), Ba Lan (1,50 tỷ USD, tăng 12,42%) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD), tăng 2,39%).
Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU
(Đơn vị: triệu USD)
Năm | Xuất khẩu | Nhập khẩu | Xuất nhập khẩu | |||
Trị giá | Tăng (%) | Trị giá | Tăng (%) | Trị giá | Tăng (%) | |
2015 | 30.940,1 | 10,77 | 10.433,9 | 17,16 | 41.374,0 | 12,31 |
2016 | 34.007,1 | 9,92 | 11.063,5 | 6,03 | 45.070,7 | 8,93 |
2017 | 38.336,9 | 12,75 | 12.097,6 | 8,57 | 50.434,5 | 11.72 |
2018 | 41.885,5 | 9,42 | 13.892,3 | 13,95 | 55.777,8 | 10,59 |
2019 | 41.546.6 | -0,81 | 14.906,3 | 7,30 | 56.452,9 | 1,21 |
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)
Các nước xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan. Đối với thị trường Áo, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là nhờ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động.
Về xuất khẩu:
Năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 41,54 tỷ USD, giảm 0,81% so với năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện (đạt 12,21 tỷ USD, giảm 7,23%), giày dép các loại (5,03 tỷ USD, tăng 7,51%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,66 tỷ USD, giảm 8,13%), hàng dệt may (4,26 tỷ USD, tăng 3,90%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,51 tỷ USD, tăng 21,63%), hàng thủy sản (1,25 tỷ USD, giảm 13,07%) và cà phê (1,16 tỷ USD, giảm 14,91%). Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là chất dẻo nguyên liệu (đạt 19,13 triệu USD, tăng 235,42%), giấy và các sản phẩm từ giấy (13,94 triệu USD, tăng 175,56%), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (30,70 triệu USD, tăng 139,83%), chè (8,20 triệu USD, tăng 132,98%) và dây điện và dây cáp điện (31,10 triệu USD, tăng 139,83%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng giảm như sắt thép các loại (238,28 triệu USD, giảm 33,98%), hóa chất (38,35 triệu USD, giảm 16,83%), cao su (113,77 triệu USD, giảm 11,37%), hàng thủy sản (1,25 tỷ USD, giảm 13,07%) và cà phê (1,16 tỷ USD, giảm 14,91%).
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU
(Đơn vị: triệu USD)
TT | Tên hàng | 2017 | 2018 | 2019 | 2019/2018 |
01 | Giày dép | 4.612,3 | 4.677,8 | 5.029,4 | +7,51% |
02 | Dệt may | 3.733,3 | 4.101,7 | 4.261,9 | +3,90% |
03 | Thủy hải sản | 1.422,1 | 1.435,2 | 1.247,6 | -13,07% |
04 | Cà phê | 1.365,4 | 1.360,5 | 1.157,7 | -14,91% |
05 | Đồ gỗ | 751,4 | 779,1 | 846,6 | +8,65% |
06 | Máy vi tính | 4.097,5 | 5.072,9 | 4.660,4 | -8,13% |
07 | Điện thoại | 11.778,0 | 13.161,4 | 12.209,2 | -7,23% |
08 | Túi xách, ví, vali, mũ & ô dù | 879,5 | 929,8 | 965,6 | +3,85% |
09 | Sản phẩm từ thép | 399,8 | 568,8 | 551,4 | -3,06% |
10 | Phương tiện VT và PT | 705 | 671,6 | 814,3 | +21,24% |
11 | Hạt điều | 944,4 | 105,4 | 102,6 | -2,66% |
12 | Máy móc | 1.688,4 | 2.063,8 | 2.510,3 | +21,63% |
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)
Về nhập khẩu
Năm 2019, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 14,90 tỷ USD tăng 6,84% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 3,91 tỷ USD, giảm 3,92%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,51 tỷ USD, tăng 36,40%), dược phẩm (1,63 tỷ USD, tăng 13,50%), sản phẩm hóa chất (556,47 triệu USD, tăng 4,89%) và nguyên phụ liệu, dệt, may, da, giày (402,17 triệu USD, giảm 2,58%). Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 6,44 triệu USD, tăng 114,93%), ô tô nguyên chiếc các loại (135,83 triệu USD, tăng 74,64%), sản phẩm từ kim loại thường khác (15,98 triệu USD, tăng73,64%), giấy các loại (77,80 triệu USD tăng41,94%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (78,48 triệu USD, tăng 37,28%) và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,51 tỷ USD, tăng 36,40%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng giảm như phế liệu sắt thép (59,69 triệu USD, giảm 53,14%), quặng và khoảng sản khác (4,95 triệu USD, giảm 29,17%), thuốc trừ sâu và nguyên liệu (81,16 triệu USD, giảm 27,42%), hóa chất (195,56 triệu USD, giảm 25,46%), phương tiện vận tải khác và phụ tùng (257,16 triệu USD, giảm 22,77%) và phân bón các loại (29,36 triệu USD, giảm 22,37%).
Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU
(Đơn vị: Triệu USD)
TT | Tên hàng | 2017 | 2018 | 2019 | 2019/2018 |
01 | Máy móc thiết bị | 3.431,5 | 4.069,5 | 3.909,9 | -3,92% |
02 | Dược phẩm | 1.440,3 | 1.438,8 | 1.633,1 | +13,50% |
03 | NPL Dệt may da | 312,6 | 412,8 | 402,2 | -2,58% |
04 | Sắt thép các loại | 74,1 | 148,1 | 174,0 | +17,48% |
05 | Phân bón các loại | 41,5 | 37,8 | 29,4 | -22,37% |
06 | Phương tiện VT khác | 133,1 | 332,9 | 257,1 | -22,77% |
07 | Sữa và sp từ sữa | 217,6 | 192,4 | 214,9 | +11,74% |
08 | Máy vi tính, sp ĐT | 154,8 | 1.843,4 | 2.514,4 | +36,40% |
09 | Sản phẩm hóa chất | 221,3 | 530,5 | 556,5 | +4,89% |
10 | L.kiện p.tùng ôtô | 512,1 | 248,2 | 218,8 | -11,85% |
11 | Ôtô nguyên chiếc | 115,3 | 77,8 | 135,8 | +74,64% |
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)
Về quan hệ thương mại Việt Nam – EU
Ngày 26/03/2018, EC ban hành Quyết định điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại thép nhập khẩu trong đó có thép xuất xứ Việt Nam do phát hiện tình trạng gia tăng đột biến thép nhập khẩu. Động thái này có thể dẫn tới việc tăng thuế nhập khẩu hoặc áp đặt hạn ngạch đối với một số loại thép Việt Nam; Ngày 26/06/2018, EC ban hành Quyết định bổ sung thêm 2 loại sản phẩm thép phải bị điều tra;
Ngày 23/06/2018, Ủy ban châu Âu đánh giá tình hình đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký của Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ kể từ khi bị thẻ vàng (23/10/2017). Hoạt động xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam sang Bỉ và EU vẫn diễn ra bình thường do nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU rất lớn nhưng tình trạng thẻ vàng tiếp tục kéo dài sẽ ít nhiều gây tâm lý bất an cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu. Cơ quan quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản và chủ tàu cá Việt Nam sẽ phải tăng chi phí quản lý và đầu tư trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu chống đánh bắt IUU;
Ngày 02/07/2018, Ủy ban châu Âu ban hành Quyết định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một số loại rau thơm và trái thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU. Quyết định này sẽ làm tăng chi phí xét nghiệm và tăng nguy cơ các sản phẩm liên quan bị từ chối thông quan tại các cảng EU.
Về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA)
Ngày 30 tháng 6 năm 2019, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện cho Việt Nam và Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea đại diện cho EU đã ký kết chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu – EU (EVFTA).
Việc ký kết thành công của hiệp định này đánh dấu một mốc mới trên chằng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, là một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…
Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cũng tạo điều kiện rất tốt để Việt Nam và từng nước thành viên có thể mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở lợi thế của từng nước, đưa hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên ngày càng đi vào thực chất, bền vững.
Tuy nhiên, hai bên vẫn phải trải qua một bước nữa để đưa ra 2 Hiệp định vào thực thi, trình Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn 2 hiệp định. Với Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm về chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn về EVFTA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ trình phê chuẩn EVIPA. Quy trình phê chuẩn Hiệp định sẽ thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Luật Điều ước, Chính phủ sẽ trình bộ hồ sơ xin phê chuẩn sang Chủ tịch nước và Chủ tịch nước sẽ quyết định việc trình ra Quốc hội để xin phê chuẩn. Với EU, quy trình phê chuẩn có sự khác biệt giữa EVFTA và EVIPA. Cụ thể, với EVFTA chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn là có thể có hiệu lực ngay. Phía EU gọi là hiệu lực “tạm thời” bởi sau đó, về nguyên tắc, EVFTA vẫn phải được Nghị viện 28 nước thành viên EU phê chuẩn. EVIPA thì khác, hiệp định này phải được Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 28 nước thành viên thông qua thì mới có hiệu lực.
Ngày 21/01/2020, Ủy ban thương mại quốc tế (INTA) đã tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua hai hiệp định theo đó, Hiệp định EVFTA nhận được 29 phiếu thuận và EVIPA 26 phiếu thuận. Đây là tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất nếu so sánh với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác. Dự kiến Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu trong phiên toàn thể vào ngày 12/02/2020. Tiếp sau đó, hai Hiệp định sẽ cần Quốc hội Việt Nam thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2020) để chính thức đi vào hiệu lực.
Quan hệ đầu tư Việt Nam – EU
Đầu tư của EU vào Việt Nam
Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tạiViệt Nam (tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư). Vương quốc Anh đứng thứ hai với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư (tăng 29 dự án và 210,10 triệu USD vốn đầu tư. Pháp đứng thứ ba với 563 dự án và 3,60 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư (tăng 23 dự án nhưng giảm72,07 triệu USD vốn đầu tư).
Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển)…. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ).
Đầu tư Việt Nam vào EU
Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, nhìn chung đầu tư Việt Nam sang EU là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến hết nay 31/12/2018, Việt Nam có 78 dự án đầu tư sang 10 nước EU (Anh, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, CH Séc, Tây Ban Nha và Xlô-va-ki-a) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 320,20 triệu USD. Trong đó chủ yếu sang Đức với 29 dự án với tổng vốn đăng ký trị giá 120,3 triệu USD, sang Anh và Quần đảo Virgin thuốc Anh (20 dự án trị giá 144,5 triệu USD), sang Pháp (10 dự án trị giá 5,4 triệu USD), sang Xlo-va-kia (2 dự án trị giá 36,4 triệu USD),…
(Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương)
Tác động của Hiệp định EVFTA và IPA đối với nền kinh tế Việt Nam
Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ – đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…
Bên cạnh đó, những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.
Thông quan EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
(Nguồn website: evfta.moit.gov.vn – Bộ Công thương)